TRƯỜNG
LÁ
CỦA
TÔI
MẶC
NHÂN
TVC & VÕ THÀNH DŨNG
Một
nén
hương
cho người
đã khuất
Kính dâng lên Thầy
Cô
Trao về
bè
bạn
thân
thương
Trường
Tiểu
học
Mỹ
Tho dưới
thời
Pháp
thuộc
mang
nhiều
tênkhác
nhau và
bị
di dời
nhiều
lần
do thời
cuộc.
Chính Trường
Tiểu
học
nầy
đã phải
“tản
cư”
đến
một
địa
điểm
không
phải
của
nó
và
phải
mang một
cái
tên
lịch
sử
là
“Trường
Lá”.Trường
Lá
hay trường
Cầu
Bắc
tuy chỉ
hiện
diện
trong khoảng
thời
gian
1946-1956, nhưng đã để
lại
nhiều
dấu
ấn
cũng
như
chuyên chở
rất
nhiều
kỷ
niệm
êm đẹp
của
những
đứa
học
trò
tiểu
học
ngày nào còn đi chân đất,
mới
học
vở
lòng
mà nay đều
ở
ngưỡng
thất
thập
cổ
lai hy
và một
số
đã ra người
thiên
cổ.
Từ
thập
niên
40, 50 của
thế
kỷ
trước
hầu
hết
những
nam nữ học
sinh xuất
sắc
của
Trường
Trung học
Nguyễn
Đình Chiểu
đều
xuất
thân
từ
trường
Tiểu
học
Mỹ
Tho,
đặc
biệt
là từ ngôi Trường
Lá
bạc
phận
nầy.
Bài viết
của
hai tác
giả-
Mặc
Nhân
TVC và Võ Thành Dũng - dù có thể học
chung một
trường
và
cùng chung một
thầy
nhưng
cảm
nghĩ
và
nhận
xét hoàn toàn khác nhau vì tuổi
đời
và tuổi
học
trò
của
hai người
có khoảng
cách
khá
xa. Danh xưng
“tôi” trong bài nầy
có
thể
của
người
nầy
hay người
kia. Xin
độc
giả
thông
cảm
và
lượng
thứ.
Hình 1
Cô Nguyễn
Thị
Tốt
đứng với nữ
sinh tiểu
học.
Trong khuôn viên Trường Lá.
Một
đứa học trò cũ của thầy, một người học trò cũ
của một ngôi trường, khi tuổi đã lớn, thường hồi
tưởng công ơn dạy dỗ của thầy xưa cũng như hoài
cảm ngôi trường cũ đầy ấp kỷ niệm của tuổi học
trò. Đây là bản chất của người Việt Nam vốn sống
trong đạo lý nhân, lễ, nghĩa... đáng trân trọng
lưu giữ.
Trong biết bao thiên hồi ký, ký sự, chuyện kể,
thơ, văn các loại ...ca ngợi lòng tôn Sư trọng
Đạo, nhắc nhở hình ảnh cửa Khổng sân Trình...ta
thường bắt gặp rất nhiều bài chỉ viết về những
bậc thầy ở các trường lớn từ trung học cũng như
về các ngôi trường đồ sộ nguy nga mà ít khi nói
đến những bậc thầy già nua dạy mình từ thuở còn
thơ ấu ở bậc sơ học cùng với những ngôi trường
ọp ẹp nghèo nàn xơ xác trong làng trong xóm...
Lẽ thường tình là như vậy, không sao! Nhưng hôm
nay tôi bỗng nhớ đến một ngôi trường nghèo lắm,
theo nghĩa bóng, mà tôi đã theo học từ lớp Đồng
Ấu và với những thầy cũng nghèo lắm, cũng theo
nghĩa bóng, mà lòng thấy ngậm ngùi thương nhớ
làm sao.
“TRƯỜNG LÁ”
Đó là “Trường Lá” chỉ cái tên không, ngày
còn nhỏ tôi không có cảm nghĩ gì, nhưng bây giờ
mỗi khi nhắc lại “Ngày xưa tôi học ở Trường Lá”
cái tên quê mùa nầy cùng với hình ảnh những thầy
cô như Thầy Lai, Thầy Tiếng, Thầy Đây, Thầy Nhơn,
Thầy Nghị, Thầy Ngưu, Thầy Dậu, Thầy Giá, Thầy
Trị, Thầy Vinh, Thầy Viễn, thầy Giảng, cô Huỳnh,
Cô Lãnh, Cô Hường, Cô Lợi, Cô Huê, Cô Bạch, Cô
Phùng Huê, Cô Hai, Thầy Hợi, Thầy Chận, Thầy Quạ,
Thầy Tân,Thầy Mân, Thầy Nhược, Thầy Trị, Thầy
Lại, thầy Thuyền, thầy Nam, Thầy Sách...(tôi xin
lỗi quí Thầy Cô vì trí nhớ của tôi không cho
phép tôi ghi danh tất cả trong bài viết nầy để
tỏ lòng tôn kính và biết ơn). Quí Thầy Cô, theo
trí óc trẻ thơ của tôi, có vẽ nghiêm khắc với
học trò lắm và dường như quí Thầy Cô cũng tự
nghiêm khắc với chính mình. Chỉ bao nhiêu đó
thôi mỗi lần nhớ đến Thầy Cô cũng đủ cho tôi bồi
hồi nỗi nhớ, bâng khuâng tấc dạ.
Trường Lá, chỉ cái tên “Trường Lá” thôi
cũng đủ cho tôi cảm thấy “thương nó” rồi. Thiếu
gì trường xây cất bằng cây lá còn nghèo nàn hơn
nữa kìa, mà cũng còn có được cái tên đàng hoàng.
Chẳng hạn trường Đạo Thạnh, trường Mỹ Phong,
thậm chí có cái trường cũng lợp lá, nhỏ xíu, ở
trong hốc hỉnh của một xóm nhỏ đìu hiu mà cũng
còn có tên là trường Xóm Vông. Thế mà trường tôi
học ở ngay tại vùng đất phồn hoa đô hội, lại là
một ngôi trường to lớn hàng ngang dãy dọc vậy mà
lại mang cái tên quá khiêm nhượng là “Trường Lá”.
Chưa hết, cái số của ngôi trường nầy có lẽ
không có hậu cho nên còn có người cho nó mang
cái tên vay tên mượn của cầu bắc tức là bến bắc,
bến đò qua sông để đi qua miệt Rạch Miễu gì đó
mà “nó” ở gần... là “Trường Cầu Bắc”. Bởi vì“nó”
đã là ngôi trường “vô danh” nên vì số phận của
nó đặt nó gần Cầu Bắc, nên người ta cũng gọi nó
là trường “Cầu Bắc”. “Nó” lại ở gần phú-de nơi
người ta nhốt chó, may mà người ta không nghĩ
đến để ...thôi nói nhiều càng thêm tủi.
Đấy một ngôi trường không tên không tuổi
phải mang vào mình một cái tên không có tính văn
hoá gì cả là “Trường Lá”, như vậy rồi lại có lúc
phải vay mượn cái tên lạ hoắc là “Trường Cầu Bắc”
thì còn thể thống gì nữa. Nhưng lý lịch của “nó”
có phải vậy đâu! “Nó” vẫn thuộc dòng “trâm anh
thế phiệt”, có tên có họ thuộc giòng dõi chính
thống chớ. Ở phần sau chúng ta sẽ truy rõ căn
nguyên hơn, còn bây giờ chúng ta trở lại ngôi
“Trường Lá” cùng với những Thầy Cô của ngôi
trường đầy ấp kỷ niệm của tôi trước đã.
CẢNH CŨ TRƯỜNG XƯA
Hơn sáu mươi năm về trước mỗi sáng trưa đến
trường vừa buông tay chị nhìn vào ngôi trường ba
gian yên ẳng như đợi chờ. Trong sân trường đã
đầy ấp bạn bè trang lứa đang chạy nhảy, vui đùa...lòng
tôi chợt thấy như đã hoà mình vào một cộng đồng
trẻ thơ hồn nhiên, vô tư, vui sướng đó.
Ngôi trường được xây cất thành ba gian hoàn
toàn bằng cây lá. Gian giữa tôi không nhớ, nhưng
có thể có 10 phòng học. Ở giữa có một phòng dành
làm văn phòng của Thầy Hiệu trưởng. Phòng nầy
được cất nhô ra như một tiền sảnh và có lan can
theo hình chữ X bao quanh, hai bên có hai chậu
cau kiểng. Hai gian hai đầu mỗi gian có thể là 5
phòng xây cất đối diện nhau tạo thành môt khu
trường hình chữ U.
Toàn bộ ba gian trường đều bằng cây lợp lá
chằm (lá dừa nước róc ra chằm lại)tuy có vẽ
nghèo nàn song được một cái là rất mát mẻ thêm
vào các phòng học đều có chừa cửa sổ giương lên
và hạ xuống bởi một tấm líp kết bằng tre
lá,ngoài ra tất cả các gian phòng học đều có
hành lang rộng rãi tránh mưa đở nắng.Sân trường
rộng đủ chỗ cho các lớp thay phiên tập thể dục
mỗi sáng. Giữa sân là cột cờ và hai bên là hai
cây me tây còn gọi là cây còng do trái của nó
giống như trái me còng, lớn hơn, có mắt và cong
lại nên gọi là cây còng. Me tây là một loại cây
mau lớn, tàn rộng cho nhiều bóng mát nên người
ta thích trồng nơi các trường học. Sau Tết, gần
vào hè là me tây cho bông. Bông me tây màu vàng
anh, nhị đỏ, giống như bông me, không đẹp nhưng
vì tàn to, bông nhiều nên khi trổ bông, cây me
tây vẫn cho ta một cảnh sắc vui tươi trong sáng
hợp với tuổi trẻ học trò. Có điều khi bông me
tàn, trổ trái xong, trái già lại sắp vào mùa
thay lá thì một tai họa cho đám học trò nhỏ nhất
là các trò gái vì không biết bao nhiêu là sâu từ
trên tàn cây, nhánh cây theo những dây tơ đung
đưa, nhủng nhẳng, tòn ten....bám vào người vào
áo của đám học trò vốn sợ sâu.
Trường Lá thu nhận học sinh trai lẫn gái
tuy nhiên các lớp học trai gái đều riêng biệt,
Phần nhiều quí Cô dạy học trò gái, quí Thầy dạy
học trò trai, tuy nhiên cũng không nhất thiết
như vậy. Có một điều mà mãi tới bây giờ chúng
tôi vẫn biết là mặc dù học chung trường nhưng có
thể không cùng lớp, không chung thầy, nhưng
chúng tôi vẫn coi nhau là những người bạn học
thân thương và đều tôn kính tất cả Thầy Cô không
dạy mình như chính là Thầy Cô của mình. Chúng
tôi hảnh diện về điều nầy.
Sân trường hoàn toàn là đất nên khô cằn
cứng ngắt vào mùa nắng là nơi thử thách của
những bạn năng động chạy nhảy, rượt bắt, đá banh...chỉ
trợt chân một cái là lỗ mũi ăn trầu còn nhẹ thì
cũng lã đầu gối. Còn khi trời mưa sân trường
trơn trợt như thoa mở bò khiến cho mấy cô bé lớp
chót không khỏi chụp ếch.
Toàn bộ khu trường xây cất trên một thửa
đất rộng hình chữ nhật nguyên là đất của Hãng
Xáng. Gian giữa nhìn ra đường De Castelneau sau
đổi là Trần QuốcTuấn còn gọi là đường Cầu Bắc vì
nó dẫn ra cầu “bắc” sang sông Tiền đi Rạch Miễu.
Lưng trường dựa vào giếng nước. Từ ngoài nhìn
vào phía trái là con đường dọc theo bờ sông đi
lên Vòng Nhỏ nơi đây có một nơi chứa sắt vụn gọi
là phú-de do chữ ferrailles (sắt vụn) mà cũng là
nơi nhốt chó hoang. Phía mặt là con đường rầy xe
lửa Sài Gòn - Mỹ Tho cạnh bên có một cây đa cổ
thụ. Mỗi khi xe lửa băng qua đường Trần Quốc
Tuấn, phải có cổng chận xe và người đi bộ lại,
nên nơi đây còn có thêm một địa danh là “Cổng xe
lửa”. Ngồi học trong trường mỗi lần xe lửa chạy
ngang, tiếng còi xe lửa hoét hoét hoà lẫn với
tiếng máy chạy rì rầm điếc tai, bây giờ nhớ lại
tôi còn cảm thấy một cái gì vui vui buồn buồn.
Song song với những cái nhớ cái thương đó,
chúng tôi như còn cảm thấy nhớ nhớ thèm thèm ...cái
vị lành lạnh trong lưỡi của ly đá nhận xịt xi-rô,
cái vị mằn mặn beo béo của khúc bánh mì thịt
trét tương. Còn mấy cô gái làm sao quên được
chiéc bánh giá có con tép mòng nhỏ xíu dòn tan
mà khi ăn thường hay hít hà khi ăn nhằm ớt, hoặc
mút khúc cà rem cây có một chút xíu mít thơm
thơm...
Bao giờ khi đi học chị cũng dúi cho 1 xu rủng
rỉnh đến cổng trường sớm một chút, đảo quanh các
chú bánh mì thịt, bánh mì cá mòi, bánh mì ba-tê,
mấy anh cà-rem cây, cà-rem cục, mấy chị bán đồ
chua – cái nầy mấy cô gái khoái lắm – dưa me,
mứt chùm ruột, ổi, mận...mấy bà bán xôi bánh
phồng, chuối trộn dừa,chuối nướng, đậu phộng
rang, đậu phộng nấu, khoai mì, khoai lang...Những
khuôn mặt nầy, những món ăn học trò nầy ...sao
mà cứ lởn vởn trong tôi mãi cho đến lúc tuổi đã
về chiều.
THẦY CÔ TÔI
Ngày 15 tháng 9 năm 1950, ngày tựu trường
cũng là ngày đầu tiên tôi đi học, chị tôi dẫn
tôi đến trường. Một tay nắm tay chị, một tay ôm
một cặp đệm mới mua,trong cặp chỉ có một cái
bảng giấy cứng sơn xanh và một nắm xôi bánh
phồng.
Đôi mắt tôi mở to nhìn vào sân trường rộng
thênh thang chật kín học sinh, trai có gái có
hầu hết lớn tuổi hơn tôi, chỉ loáng thoáng một
số ít trang lứa với tôinép mình bên cha hay mẹ
cũng ngơ ngác như tôi và chắc chắn sẽ là đồng
môn đồng lớp với tôi sau nầy.
Tôi vào lớp Đồng ấu 2 được thầy tôi, thầy
Phùng Nhơn, sắp cho tôi ngồi đầu bàn ở ngay hàng
đầu, kế Chung Phước Thành (Thành là bạn học đầu
tiên của tôi và hai đứa thân nhau suốt 6 năm
tiểu học ở Trường Lá). Tôi như con gà con vừa
tách mẹ đưa mắt ngơ ngác nhìn gian phòng học lạ
hoắc, những dãy bàn học trò, bàn thầy, bảng đen...tất
cả đều lạ lùng với tôi nhất là những thằng bạn
của tôi sao tôi thấy chúng xa lạ với tôi quá.
Bỗng nhiên tôi muốn khóc. Và tôi đã khóc tuy
không thành tiếng nhưng nước mắt chan hoà. Thầy
tôi đến bên tôi, vỗ đầu tôi, nhỏ nhẹ bảo tôi:
- Lớn rồi phải đi học. Vô trường thầy dạy
cho con học, có các bạn để con làm quen chơi đùa.
Đâu có gì phải khóc phải hông?
Tôi ngước lên nhìn thầy, thầy cười với tôi.
Nụ cười hiền hậu của thầy chưa chi đã khiến cho
tôi an tâm...bước vào cuộc đời học trò.
Những buổi học sáng chiều đầu tiên của tôi
trôi chảy như dòng đời có hoa có bướm cho đến
khi Tết đến tôi đã nắn nót được những dòng chữ
đầu tiên, đọc bập bẹ những câu thơ trong truyện
Con Tấm Con Cám. Người khen tôi đầu tiên là thầy
tôi, thầy Nhơn, khi thầy trao cho tôi giấy ban
khen và nói: “Con học chăm chỉ. Thầy khen con”.
Lời khen đơn giản của ông “Thầy lớp chót” nầy
mãi mãi nằm trong tâm tư tôi suốt cả đời.
Tuổi học trò vô tư qua nhanh nhưng hình ảnh
ngôi trường đầu đời cùng với thầy xưa bạn cũ ghi
lại nhiều dấu ấn trong ký ức không hề phai trong
suốt cuộc đời của một con người. Thầy Nhơn dạy
lớp Đồng ấu, có lúc gọi là lớp Năm, nói chung là
lớp Chót (bây giờ là lớp Một). Cái lớp Chót nầy
khai mào trong tôi biết bao điều đáng nhớ. Sau
những giờ học, thầy tôi thường dành năm mười
phút dể dạy chúng tôi hát những bài hát trẻ thơ:
Tung trời xanh, én nô đùa reo mừng....những bài
hát yêu đời: Đời ta bao tươi vui như hoa hồng
thắm..., những bài hát khích động chí khí thanh
niên: Nầy thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông
núi.... hay hùng ca sử Việt: Đây Bạch Đằng Giang
sông hùng dũng của nòi giống, giống Tiên Rồng…,
những bài hát cổ xuý tính hợp quần: Tiếng chim
vang lừng gọi đàn trong sương sớm...
Thầy tôi ngoài nhiệm vụ dạy một lớp còn
được trường phân công phụ trách văn nghệ của
trường. Trong các dịp lễ như ngày lễ Hai Bà
Trưng, tết Trung Thu, tết Nguyên Đán và nhứt là
lễ Phát thưởng cuối năm, thầy tổ chức văn nghệ
có nhiều tiết mục cho toàn trường xem. Nhiều
tuần trước đó thầy thành lập đội văn nghệ nhí -
học sinh của trường - tập dượt thường xuyên… Tuy
chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng những buổi trình
diễn nầy rất được khán giả (gồm quan khách, các
phụ huynh, các thầy cô và các học sinh của
trường) khen ngợi.
Hình 2
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Đạt (trái),
thầy Phùng Nhơn (mặt)
và ban văn nghệ nhí Trường Lá, đầu thập
niên 1950.
Hình 2 chụp cách nay khoảng 60 năm trước
văn phòng Trường Lá nhân dịp trình diễn văn nghệ
mừng tết Nguyên Đán.
Trong số 14 học sinh hiện diện trong hình tôi chỉ “nhận diện” được, từ
trái qua phải:
Hàng ngồi:
- thứ hai: Huỳnh Thị Ngọc Hường
(California, USA)
- thứ ba: Chung Thị Bích Thủy (Massachusets,
USA)
Hàng đứng:
- thứ hai: Chung Vĩnh Phước (California,
USA)
- thứ ba: Võ Thành Dũng (Paris, Pháp)
- thứ năm: Chung Phước Thành (California,
USA)
Hai chị em Chung Thị Bích Thủy và Chung
Phúc Thành là con của thầy Chung Tốt,
dạy Anh văn trừờng trung học Nguyễn Đình Chiểu,
thập niên 1940-1950.
Cô Huỳnh Thị Ngọc Hường học trung học ở
Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân, sau khi tốt
nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, cô dạy sử địa
trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân sau đó.
Quí thầy khác trong trường dù tôi có học
hay không tôi vẫn coi là thầy, tôi vẫn giữ một
lòng kính yêu như vậy. Tôi không quên thầy Đoàn
Văn Viễn, sau là Hiệu trưởng của “Trường Lá” nầy
khi “nó” được phục hồi lại chính danh là “Trường
Nam Tiểu học Mỹ Tho”, tức là thân phụ của Đoàn
Thị Phụng Nga,Phụng Mỹ, Phụng Lan...sau nầy đều
là những cô giáo. Thầy Viễn dạy lớp Nhứt, cũng
như các thầy khác đến trường với bộ đồ veste màu
xám, cà vạt đen, đến cổng trường là Thầy xuống
xe máy (xe đạp), một chiếc xe hiệu Alcyon, sơn
đen, thắng đôi (double frein), thầy dẫn xe vào
sân trường mắt nhìn thẳng dường như không nhìn
hai bên nhưng vô phước cho cậu học trò nào đi
ngang Thầy mà không cúi chào vì Thầy sẽ giảng
mo-rang ngay: Đến thầy biểu: Sao đi ngang thầy
mà không thưa? Thưa thầy đi. Cậu học trò nhỏ
khoanh tay: Thưa thầy! Thầy trò cùng thấy vui vì
đó là thiên chức của thầy và vì đó cũng là bổn
phậncủa trò.
Thầy Lê Văn Quạ nổi danh về điếu thuốc vấn
Gò Vấp bằng ngón tay luôn luôn phì phà khói
thuốc và cái nổi danh thứ hai là học trò không
thuộc bài, quậy phá thầy không đánh vì theo qui
định giáo khoa “hình phạt nhục thể” bị cấm
đoán,thầy là nhà giáo thầy phải tuân hành nên
thầy chỉ véo thôi mà thầy véo những nơi nhạy cảm
nhất là bắp vế và nách non. Học trò nhờ những
cái véo để đời nầy để rồi nhớ thầy nhiều.
Thầy Nguyễn Văn Nghị vẫn với chiếc xe máy
cà khổ và lúc bấy giờ chỉ còn thầy là người duy
nhất mặc áo dài xuyến đen đi dạy. Thầy chạy xe
đến trường cẩn thận xuống xe, đưa tay ra sau gở
cây kẹp kẹp vạt áo dài vắt ngang lưng để khi
chạy, vạt áo không vướng vào căm xe, xong thầy
lại cúi xuống đưa tay gở cây kẹp thứ hai kẹp ống
quần bên chân mặt vì sợ ống quần quấn vào dây
sên. Hai động tác nầy thầy làm một cách nhuần
nhuyễn gọn ghẽ, xong thầy ung dung dẫn xe vào
trường. Tan học trưa hay tan học chiều, đưa học
trò ra cổng xong, thầy trở vào nơi để xe, lấy xe
ra và hai động tác trước khi vào trường bây giờ
cũng vậy nhưng ngược lại là kẹp ống quần xong,
gát chân lên xe và đưa tay vòng ra sau kẹp vạt
áo dài, nghiêng mắt nhìn kỹ xem đã đủ an toàn
chưa thầy mới nhấn bê-đan cho xe chạy. Ôi! Thầy
tôi! Và ngày ngày hai lượt đều như vậy.
Tôi có đọc một bài do một cựu học sinh
Trường Lá kể là khi lớn lên, người học trò nầy
cưới vợ và lễ cưới tất nhiên có đôi đèn trên bàn
thờ gia tiên. Chính thầy Nguyễn Văn Nghị đã se
đôi đèn nầy bằng sáp ong với cặp Long Phụng Hoà
Minh rất đẹp. Vi ngoài là nhà giáo, Thầy còn có
cái nghề tay trái nầy mà ai ở Mỹ Tho cũng biết
cũng khen. Và cặp vợ chồng nào khi đám cưới mà
trên bàn thờ gia tiên có đôi bạch lạp do Thầy se
thì nhất định sẽ có con đàn cháu đống, bách niên
giai lão, trăm năm hạnh phúc.
Thầy Nguyễn Văn Ngưu nhỏ người trông ốm yếu,
lưng còng...nhà ở đường Đỗ Hữu Vị (Nguyễn Huệ
bây giờ) khá xa trường, không như các thầy cô
khác dùng xe máy hay xe kéo để đi dạy, còn thầy
chỉ đi bộ không phải vì thầy thích vận động mà
vì thầy... không có tiền mua nổi một chiếc xe
máy. Thầy chẳng những không có tiền mà còn mắc
nợ triền miên vì thầy....mê cờ bạc. Tôi nói điều
nầy vẫn với một lòng kính yêu thầy như thuở nào.
Trên đây tôi dùng từ “mê cờ bạc” để biết rằng
con người có những cái đam mê nhiều khi vô lối
như vậy nhưng thực sự trên phương diện đạo đức
xã hội, họ không có tội gì cả. Không phải thầy
tham lam cờ gian bạc lận để mong móc túi người
ta mà chính cái “máu đổ bác”nó ở trong thầy như
một con ma ám ảnh thầy. Thầy như bị thúc đẩy
phải đánh bài, bài nào cũng được tứ sắc, chập ỏ,
bài cào, cách tê, xập xám, hốt me, tài xỉu...mặc
dù thầy biết không bao giờ thầy “ăn” chỉ có thua
và thua nhưng dù thua thầy vẫn xem đó là một đam
mê trên cả sự sống.
Tôi xin kể: Năm 1955 thầy Ngưu của tôi đổi
xuống trường Chợ Gạo, giờ ra chơi chỉ có 15 phút,
thầy vẫn tranh thủ chạy xuống chợ gần đó...đánh
mấy ván bài cào. Khi trống vào học, thầy chạy về
trường dạy tiếp...Năm 1957, một buổi chiều tôi
ra ga xe lửa Sài Gòn mua vé về Mỹ Tho gặp thầy.
Thầy bảo: Có tiền mua vé cho thầy về, thầy hết
tiền rồi. Tôi: Dạ. Tôi mua vé xong đưa cho thầy
kèm theo 1 đồng bạc và thưa: Thầy dùng uống nước.
Thầy thấy vậy nói tiếp: Nè có tiền cho thầy mượn
5 đồng. Tôi hỏi: Chi vậy thầy? Thầy nói: Để thầy
trở lại sòng “tài xỉu” gở...!!! 5 đồng đó không
bao giờ thầy trả nổi cho tôi được nhưng mỗi lần
thầy gặp tôi thầy đều nhắc: Thầy còn thiếu em 5
đồng...
Trời xui khiến khi thầy đã già tôi đã lớn
tuổi...thầy trò lại có nhà ở gần nhau. Có những
đêm, thầy kêu cửa tôi và bảo: Cho thầy ngủ nhờ,
đi đánh bài về khuya cô hổng cho vô nhà!
1980 cuộc đời thay đổi, bài bạc không còn,
tôi được biết thầy về quê Cô một vùng đồng khô
cỏ cháy, xã Tân Hòa Thành. Ít lâu sau một hôm
tôi bỗng gặp thầy quá già yếu, đi bộ giữa trời
trưa nắng gắt trên đường Ngô Quyền. Tôi nhìn
thầy già nua vì thời gian và tiều tuỵ vì thiếu
thốn nhưng thầy vẫn mặc áo bỏ vào quần đúng theo
tác phong một thầy giáo, mang đôi xang-đan dẹp
lép bước những bước chân nặng nề, hướng về bến
xe đò cách hai cây số. Tôi hỏi: Thầy đi đâu vậy?
Thầy bảo: Thầy về quê lâu rồi, bửa nay nhớ Mỹ
Tho xuống chơi bây giờ đi lên bến xe đặng về nhà.
Tôi nhìn cái nắng tháng tư, tôi nhìn cái
nón vải rách te tua, tôi nhìn đôi xăng-đan đứt
quai, tôi nhìn cái giỏ xách bằng đệm trống trơn
không có đến một ổ bánh mì chỉ có một.... ốp
nhang nhỏ xíu. Và tôi biết rằng trong túi tôi
lúc nầy cũng trống trơn như cái giỏ xách của
thầy, nên tôi chỉ còn biết nhìn theo thầy mà mắt
tôi rưng rưng. Bóng thầy mờ dần trong ánh nắng
hè đúng ngọ chói chang. Đó cũng là lần chót tôi
gặp lại thầy tôi.
Cô Lê Thị Hai, gốc người Gò Công phu nhân
của thầy Võ Văn Liễu giáo sư trường Nguyễn Đình
Chiểu, chị của cô giáo Lê Thị Tép hiện định cư
tại Paris,bạn sư phạm và cũng là đồng nghiệp của
tôi. Một cô giáo mẫu mực một nhà sư phạm gương
mẫu, trên môi luôn có một nụ cười hiền hậu bao
dung, mỗi ngày đi dạy bằng xe kéo. Về sau cô là
Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu học Mỹ Tho. Tôi không
có học cô nhưng tôi vẫn xem cô như là một người
thầy đáng kính.
Những cô khác cũng vậy đều là những bậc hiền sư
chỉ biết lấy tâm của mình mà dạy đàn học trò nhỏ
dại như cô Nguyễn Thị Huỳnh, thân mẫu của anh
Lâm Trí Chánh, cô Nguyễn Thị Lãnh thân mẫu của
cô Lê Hồng Sương, cô Ngô Thị Hường thân mẫu của
Bác sĩ Phạm Hà Thanh, cô Hồ Thị Lợi, thân mẫu
của cô Lệ Hoa, Cô Lê Thị Huê phu nhân của Thầy
Đoàn Văn Viễn, thân mẫu của tứ giai nhân Đoàn
Thị Phụng Nga, Phụng Loan, Phụng Mỹ, Phụng Lan,
Cô Phạm Thị Sáu thân mẫu của Võ Minh Hằng...,
thầy Trương Văn Hợi thân phụ của cô Trương Thị
Mai, Trương Thị Ánh....
Tôi học từ lớp Đồng ấu đến lớp Nhất qua các
thầy và cùng bè bạn đã để lại trong tôi không ít
kỷ niệm vui buồn. Vị thầy mà tôi muốn nói trước
tiên là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đạt. Trước
thầy Đạt, Trường Lá nầy có một vị Hiệu trưởng
khi về hưu Thầy Đạt thay thế. Đó là Thầy Lê Văn
Dều, một cây cổ thụ trong những cây cổ thụ của
“Nền học chánh tỉnh Mỹ Tho” xưa (Enseignement
primaire provincial de Mỹ Tho) cùng với các cây
cổ thụ khác như Thầy Phạm Văn Khịa, Thầy Ngô
Quốc Thế, Thầy Dương Văn Hoành, Thầy Trương Văn
Cơ, Thầy Lê Văn Hội, Thầy Phạm Văn Lắm, Thầy
Quách Văn Trương, Thầy Lê Văn Trí, Thầy Lê Văn
Vững, Thầy Huỳnh Văn Đồ, Thầy Ngô Văn Tiếng,
Thầy Bùi Văn Huy, Thầy Bùi Văn Mùi, Thầy Nguyễn
Văn Đạt (trùng tên với Thầy Đạt, Hiệu trưởng),
Thầy Đinh Văn Của, Thầy Võ Văn Đây, Thầy Ngô
Thới Lai v.v...Nhưng không thể thiếu hai giáo sư
Dương Văn Cấp (thân phụ của Kỷ sư Dương Mộng Ảo
và Kỷ sư Dương Kích Nhưỡng và giáo sư Phạm Công
Bình (thân phụ của Kiến trúc sư Phạm Công Thành)
đã từng đứng đầu ngành giáo dục Tiểu học của Mỹ
Tho.
Thật sự lúc vào học lớp chót cho đến khi
tối nghiệp bằng Tiểu học để thi đậu vào lớp đệ
nhất niên (1ère année) trường Trung học Nguyễn
Đình Chiểu, tôi chỉ loáng thoáng biết thầy Hiệu
trường lờ mờ qua các lễ chào cờ, phát phần
thưởng cuối năm thôi vì tuổi đời tôi còn quá nhỏ.
Nhưng vừa đây vào tháng 2 năm 2012 tôi được tin
Thầy Nguyễn Văn Đạt qua đời ở tuổi 96 tại
California và được di quan về hỏa thiêu ở Sài
Gòn. Chừng đó sống dậy trong tôi Thầy Nguyễn Văn
Đạt, một thầy Hiệu trưởng đúng dáng “nhà giàu
đẹp trai học giỏi” mà mãi đến nay bao thế hệ học
trò của thầy, nam như nữ, có học hay không học
với thầy đều vẫn giữ trong ký ức mình một bậc
thầy đáng tôn kính và cũng có một phần ngưỡng mộ
tư cách “hào hoa phong nhã” của một ông thầy
“tài sắc vẹn toàn”, một ông thầy nói tiếng Tây
giỏi hơn Tây!
NHÌN LẠI NỀN GIÁO DỤC TIỂU
HỌC XƯA
Nhớ lại trường, nhớ lại thầy, nhớ lại bạn thì
cũng nên nhớ lại những điều học hỏi đầu đời mà
một đứa học trò tiểu học đã thụ huấn qua chương
trình giáo dục thời bấy giờ.
Từ tháng 9 năm 1945 trở về trước, chương trình
giáo dục bậc tiểu học, riêng ở miền Nam Việt Nam
(Nam kỳ một thuộc địa của Pháp – Cochinchine)
gần như là chương trình Pháp. Cho nên khi còn
học ở lớp Enfantin (Lớp 1) học sinh đã học tiếng
Pháp. Những lịnh của thầy cũng dùng tiếng Pháp.
Thí dụ: entrez!,sortez!, asseyez-vous, répétez,
levez vous, phạt cũng tiếng Pháp: à genoux...thậm
chí chửi cũng bằng tiếng Pháp: idiot, imbécile!
Hát cũng những bài Pháp: C’est à Capri,
Malbrough s’en va-t-en guerre....Khỏi phải nói
bài quốc ca Marseillaise của Pháp: Allons
enfants de la patrie... Cho điểm thì zéro, 5
points, 9 points...
Lên lớp Élémentaire (lớp 3) đã có viết dictée
hay orthographe, làm toán, học bài tiếng Pháp,
những bài Việt ngữ xem như sinh ngữ như Tập đọc,
Học thuộc lòng... Cho nên mãi tới bây giờ cách
nay 80 năm ở lớp Ba tôi đã học và còn thuộc lòng
bài Người thợ rèn (Le forgeron): Dès l’aube la
forge s’allume. Le fer rougit sur l’enclume.....Mãi
tới bây giờ tôi không biết đó có phải là chương
trình « nhồi sọ » của thực dân Pháp hay không?
Học hết lớp Sơ đẳng học sinh phải thi bằng
Cetificat d’études primaires élémentaires (Bằng
Sơ đẳng Tiểu học gọi tắt là Sơ Tiểu hay CEPE) để
lên học bậc Tiểu học . Bậc Tiểu học gồm có lớp
Nhì (có lúc có 2 lớp Nhì: Lớp Nhì Một Năm và Lớp
Nhì Hai Năm, hay là Cours Moyen 1ère và 2ème
année hay gọi tắt là Moyen 1, Moyen 2) sau đó
lên lớp Supérỉeur hay lớp Nhất (Lớp 5) thi
chương trình gần như hoàn toàn Pháp ngoài mấy
bài Trduction hay Thème (Dịch từ Pháp ra Việt
hay ngược lại).
Học xong lớp Nhất học sinh thi bằng Certificat
Primaires Complémentaires –tên bằng cấp nầy thay
đổi luôn nhưng tạm gọi như thế – có cả thi oral
tức là vấn đáp hay là Văn bằng Tiểu học Bô túc.
Có bằng nầy học sinh phải trải qua cuộc thi
tuyển gay go để được vào trường Trung học.
MỘT NỀN GIÁO DỤC DÂN TỘC
Ở trên tôi xin phép phác hoạ lại nền giáo dục
Tiểu học Việt Nam thời Pháp thuộc để chúng ta
nắm bắt được sự chuyển mình của nền giáo dục của
chúng ta sau thời kỳ đó để hình thành được một
nền giáo dục quốc gia, dân tộc từ 1945.
Và người đặt nền móng đầu tiên cho nền giáo dục
nầy chính là Thạc sĩ Toán học đầu tiên của Việt
Nam (1936) là Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), một
học giả thông kim bác cổ : nhà khoa học (xuất
bản cuốn Danh từ Khoa học đầu tiên của Việt Nam
năm 1942), nhà văn hóa, nhà sử học ... Giáo sư
đã để lại cho hậu thế nhiều công trình giá trị.
Với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục trong nội các
Trần Trọng Kim (1945), Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã
thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng
chữ Quốc ngữ ở các trường học, áp dụng việc học
và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt
trong những công văn chính thức.
Thời kỳ nầy chia làm hai giai đoạn: Giai
đoạn 1946-1955 và giai đoạn 1956 trở về sau.
Giai đoạn 1946-1955 (thời kỳ có mặt của
Trường Lá) : Năm 1946 người Pháp trở lại Việt
Nam nhưng đã mất đi vai trò “chủ nhân ông” trong
mọi lĩnh vực,hơn nữa trong thời gian Pháp mất
chính quyền ở Việt Nam, ta đã hình thành được
một nền giáo dục dân tộc như trên dã trình bày,
nên giờ đây chương trình giáo dục cũ của Pháp
cũng dần dần được thay thế.
Trường Lá cũng như các trường Tiểu học khác
từ đây đã áp dụng một chương trình giáo dục mới
tuy nhiên chưa hoàn toàn ly khai với quá khứ. Ở
cấp Sơ đẳng hoàn toàn không có tiếng Pháp. Lên
cấp Tiểu học, tiếng Pháp còn nhưng chỉ là một
môn phụ như một sinh ngữ. Cuộc thi cấp Sơ đẳng
đã bãi bỏ, chỉ còn cấp Tiểu học. Trong các lớp
không còn tiếng Pháp trong sinh hoạt, trong
giảng dạy,nói chung là ta đã độc lập trong giáo
dục.
Giai đoạn 1956 trở về sau : người Pháp đã
vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam, tiếng Pháp đã hoàn
toàn mất hẳn ở bậc tiểu học, ta đã hoàn toàn
chia tay với quá khứ.
Thi xong cấp Tiểu học, trên toàn quốc học
sinh phải qua một kỳ thi tuyển vào trường Trung
học. Ở Mỹ Tho học sinh Trường Lá phải đương đầu
với cả ngàn thí sinh thi vào Trung học Nguyễn
Đình Chiểu, và nơi đây chỉ thu nhận khoảng hai,
ba trăm mà thôi....Các thí sinh không phải chỉ
là thí sinh của toàn tỉnh Mỹ Tho mà còn cả của
các tỉnh miền Tây trong một cuộc đọ sức « mất
còn ». Tỷ số học sinh lớp Nhứt đậu vào trung học
Nguyễn Đình Chiểu rất thấp. Cho nên để « vớt »
số học sinh thi rớt vào Trung học có thể tiếp
tục thi năm sau nên có tổ chức lớp Tiếp liên
nghĩa là lớp dành cho học sinh nầy được cơ hội
học thêm một năm ở Trường Tiểu học để năm sau
thi trở lại, gọi là cours des certifíés. Với
điều kiện là học sinh nầy còn trong hạn tuổi qui
định. Vì chỉ dành cho các học sinh đã học một
năm ở lớp Nhứt cho nên chương trình lớp Tiếp
liên cao hơn chương trình lớp Nhứt, học sinh «
vững vàng » hơn, tỷ số học sinh Trường Lá đậu
vào trường Nguyễn Đình Chiểu rất cao. Dạng lớp
nầy chỉ có từ khoảng năm 1940 đến khoảng 1956 mà
thôi.
TÔI HỌC THẾ NÀO NƠI ĐÂY
Một nền giáo dục dân tộc đã manh nha cùng
với một thời khoá biểu hàng tuần được soạn thảo
một cách công phu và khoa học đã giúp cho một
đứa bé như tôi có điều kiện dễ dàng để tiếp thu
những điều thầy giảng dạy. Chẳng hạn hàng tuần
chỉ có năm ngày học, nghỉ thứ năm và chủ nhật,
ngày học hai buổi. Những thời điểm quan trọng
nhất trong ngày dành cho các môn về đạo đức và
giáo dục.
Thí dụ: giờ đầu 7-8 giờ, thứ Hai môn Đức
Dục hay Luân Lý, thứ Ba môn Công dân Giáo dục,
Thứ Sáu môn Vệ sinh, thứ Bảy môn Lễ phép. Buổi
sáng dành cho các môn quan trọng như Toán, Chính
tả, Làm văn. Buổi chiều dành cho các môn dễ hơn
như Khoa học thường thức, Thủ công, Nữ công,
Vẽ...
Tôi không thể bỏ qua bài Tập viết (Écriture)
một môn mà bây giờ không một mảy may quan trọng
nhưng ngày tôi đi học ngay từ lớp vở lòng thầy
cô đã chịu khó nắn tay tôi để tôi có được một
nét chữ không phải đẹp mà đúng cách đúng phép vì
thầy bảo: “Xét chữ viết của con là người ta biết
tư cách của con”. Ôi! Một lời dạy bảo vàng ngọc.
Cho nên đến lớp Nhất thời khoá biểu vẫn còn môn
Tập viết.
Như vậy đó, một thời khoá biểu được lập có
chủ đích thích nghi một cách khoa học với tâm
sinh lý học sinh, thêm vào một chương trình giáo
dục phân bổ một cách cân bằng cho mỗi tam cá
nguyệt, cho mỗi cấp lớp tuần tự nhi tiến...cộng
thêm một đội ngũ thầy cô đầy đủ chức năng và
nhất là lương tâm chức nghiệp...tôi đã dễ dàng
qua cấp Tiểu học và thẳng tiến vào Trung học.
CON ĐƯỜNG HỌC VẤN CỦA TÔI
Con đường học vấn của tôi trải dài 13 năm
(6 năm Trường Lá, 7 năm Trường Nguyễn Đình
Chiểu), những kỷ niệm trong suốt 15 năm tôi ở Mỹ
Tho - từ 3 đến 18 tuổi - đều là những kỷ niệm
của tuổi học trò, tuổi hồn nhiên nhất, tuổi đẹp
nhất của kiếp con người. Trong suốt 6 năm học
Trường Lá tôi học chung với rất nhiều đồng môn.
Những đứa bạn nầy lại “dắt díu” nhau vào trường
trung học Nguyễn Đình Chiểu thành ra rất thân
nhau. Tình thân đó vẫn còn tồn tại sau hơn nửa
thế kỷ cho đến hôm nay dù rằng khi vào đời mỗi
đứa đã chọn một con đường riêng và đôi khi chí
hướng hoàn toàn ngược nhau. Mỗi khi họp mặt (tết
Nguyên Đán, đám cưới, đám tang, hay đơn giản khi
có một đứa từ phương xa trở về,…) thì chỉ có
“mầy-tao” như thưở còn đi học là cách xưng hô
duy nhứt,dù rằng vị trí xã hội nhiều chênh lệch,
có đứa nay vẫn còn phải đi bán vé số để kiếm
sống và nhiều đứa đã tỏa sáng trong nghiệp vụ
của mình.
Bạn thân nhứt của tôi là Đinh Văn Hải (con
thầy Đinh Văn Của), đứa bạn duy nhứt học chung
trong khoảng đường thật dài: ở Trường Lá từ khi
tôi lên 5, ở trung học Nguyễn Đình Chiểu cho đến
xong tú tài, ở Khoa học Sài Gòn cho đến xong cử
nhân lý-hóa. Bạn bè thân hồi tiểu-trung học của
tôi vô số, nhiều đứa nay đã vĩnh viễn ra đi, có
đứa ở góc biển, có đứa ở tận chân trời xa thẳm,
tuy nhiên vẫn biết tin tức của nhau, vẫn thường
xuyên giữ liên lạc. Ngoài Đinh Văn Hải hiện ở
Sài Gòn, vẫn còn một số bạn ở trong nước:
- Mỹ Tho: Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Tôn Quyền,
Lê Thanh Khiết, Phạm
Công Thành, Lý Thành Phương, Đỗ Sanh Tích,…
- Tân An: Lâm Hữu Nghĩa, Đỗ Tấn Tri.
- Sài Gòn: Nguyễn Văn Linh, Lê Quang Ninh,
Nguyễn Chấn Hùng, Huỳnh Kế Nghiệp, Lâm Hữu Thiện,
Trần Mỹ Quan, Huỳnh Kim Quang,…
Đó là chưa kể đến những bạn hiện định cư ở nước
ngoài cũng như những bạn học tiểu học ở các
trường khác trong tỉnh Mỹ Tho và chỉ học chung
nhau thời trung học Nguyễn Đình Chiểu.
Cô Tạ thị Rớt Giữa, Thầy Tân văn
Công trái chụp hình kỷ niệm với
Tuý Vân (Mỹ, dân Chùa Chà) bên trái
ĐỒNG PHỤC
Nói đến đồng phục học sinh nơi Trường Lá
phải trở về thời điểm ngôi Trường Tỉnh ( École
provinciale – trường chính của Trường Lá) được
xây cất vào năm 1925 tại đại lộ Hùng Vương
(boulevard Bourdais) thì trường mới có đồng phục
cho học sinh. Trai: sơ mi trắng ngắn tay, quần
ngắn (quần xà lỏn) đen, chân
không, tóc hớt ngắn hay hớt job tức là sát da
đầu. Gái: áo bà ba trắng, quần dài đen, chân
không, tóc cắt bôm-bê.
Mãi đến những năm kinh tế khủng hoảng vào
thập niên 1930 và nhất là trong thời kỳ thế
chiến thứ hai, quân đội Nhật vào Việt Nam, thì
đồng phục bị lơ là vì kinh tế khó khăn, vải sồ
trở nên khan hiếm, Mãi đến năm 1946, mặc dù
chiến tranh chấm dứt nhưng đời sống người dân
còn khó khăn nên việc đòi hỏi học sinh mặc đồng
phục vẫn chưa thi hành.
Cho đến đầu thập niên 1950 trở về sau
Trường Lá đã trở lại cho học sinh mặc đồng phục
và vẫn lối đống phục cũ nhưng có phần tươm tất
hơn (Hình 1). Học trò có thể đi dép cao su hay
dép da. Học trò trai ở lớp Nhất, Nhì để tóc
ma-ninh, chải bảy ba, thoa bi-dăng-tin láng
ngót. Các cô gái cũng vậy tóc rẻ đường ngôi chải
tăng-gô hay chữ S rất duyên dáng.
Như vậy đó, Mỹ Tho trai tài gái sắc. Biết
bao nhiêu cựu học sinh của cái Trường Lá khiêm
nhường nầy đã trở thành những đấng tu mi nam tử,
bao nhiêu cô gái học sinh của cái Trường Cầu Bắc
nầy trở thành hoa khôi, hoa hậu của mảnh đất Mỹ
Tho ngàn năm văn vật đã xuất thân từ ngôi
trường, một ngôi trường đã đi vào lịch sử ít nữa
là đối với chúng tôi.
TRÒ CHƠI
Thuở chúng tôi học nơi Trường Lá, chúng tôi
còn chân quê lắm. Trước giờ học chúng tôi đi sớm
một chút để có thời gian hay trong những giờ ra
chơi, chúng tôi tập họp theo từng nhóm từng
cụm...mà chúng tôi quen chơi chung.
Trò chơi của chúng tôi rất đa dạng và nói
theo giọng người lớn một chút mang tính dân tộc
rõ nét đồng thời vừa có tính giáo dục, trí dục
cũng như thể dục. Trong tập đệm của chúng tôi
nếu là con trai không thể không có một ná thung,
một cây trỏng, một bộ sưu tầm bao thuốc lá....
Cón trong túi áo thì vài ba cục đạn, có thể là
đạn đất, đạn chai...có bán trong các tiệm hàng
xén hoặc những đồng xu để thẩy lồ hay thẩy lỗ.
Đồng xu thường là xu bảng có hình “bà đầm xoè”
bằng thau, bề khá dày, nặng ...để khi thẩy vào
lỗ chính xác hơn hay “bạt” đồng xu của đối thủ
cũng có lực hơn. Ngoài ra còn có những đồng xu
sắt hay đồng, chúng tôi đến Hãng Xáng hay trường
Bá Nghệ còn gọi là trường Học nghề xin hay mua
những đồng xu sắt hay đồng bề kính lối 0.25 cm
và bề dày cở 0,2 cm do ở đây họ tiện ra, đem về
chùi trên cát cho sáng bóng. Xu sắt hay đồng mà
đánh đáo, thẩy lỗ thì hết xẩy.
Còn nữa, trong cái cặp đệm lên nước bẩn
thỉu vì vết mực loang lổ, cũ mèm vì thời gian
ngoài sách vở viết thước và ngoài các thứ kể
trên còn là một dụng cụ chứa đựng đủ thứ đồ chơi
có thể có như: dây thun, bao bì thuốc lá, nút
chai nước ngọt, banh ba da....
Con gái cũng không thua gì con trai nhưng
là đào thơ liễu yếu nên những trò chơi cũng kém
phần dũng mãnh hơn nhưng khéo léo hơn đám con
trai nhiều. Chẳng hạn xét trong cặp các cô ngoài
sách vở, ngoài cóc ổi mận chùm ruột...còn có một
bó đủa để đánh đủa. Đủa tiếng gọi như vậy nhưng
thực sự các cô có óc thực dụng hơn ra bờ sông
cắt một mớ cọng lát hay u du vừa nhẹ nhàng vừa
tiện lợi, chơi lâu bỏ, cắt cái khác. Còn có một
xâu dây thun nối lại thành một đoạn dài để nhảy
dây, một túi đựng hột me cái nầy mấy cô giỏi lắm
để đánh búng...
Có những trò chơi khác không cần dụng cụ như bỏ
khăn, trốn kiếm, bịt mắt bắt dê, nhảy nhà (nhảy
lò cò) ...
Thùng thùng...thùng...Giờ chơi, chúng tôi ào ra
sân trường như bầy chim sổ lồng. Chúng tôi tụ
năm tụ ba nhóm ở góc nầy nhóm ở góc kia. Có một
nhóm đông hơn chiếm cả một khu khá rộng để đá
banh. Cũng chia ra giữ gôn, a-de, avang- xăng,
cốt mặt, cốt trái...Thế là lâm trận cũng lừa
cũng đảo, cũng chèn cũng ép, cũng sút đìa-rét
cũng bắt vô-lê, cũng phạt pê-nal-ty...Nhưng có
điều không cần ạt bit, cả hai đội tự nguyện chấp
nhận điều lệ một cách tự nhiên. Chúng tôi đã
biết “fair play” từ xưa rồi!
Cầu môn đánh dấu bằng hai chiếc áo sơ-mi còn
banh thì là trái banh ba da. Banh ba da ngày nay
không còn ai biết là gì. Banh ba da tức là banh
đánh quần vợt (banh tennis) đã xài rồi. Chúng
tôi xin để dùng làm banh đá. Nhưng tại sao gọi
là ba da. Số là banh nầy mang nhãn hiệu
Michelin, bây giờ vẫn còn, cấu trúc của nó gồm 3
lớp, 3 da mà. Lớp trong bằng cao su màu trắng
lớp giữa cũng bằng cao su nhưng màu đen, bọc một
lớp ngoài bằng nỉ đủ màu. Trái banh cũ về tay
chúng tôi à không về chân chúng tôi...đá không
bao lâu, lớp nỉ bên ngoài tróc hết cho thấy lớp
cao su đen ở trong. Chúng tôi vẫn đá, đá cho đến
khi lớp cao su đen nầy mòn và chưa kịp thấy lớp
cao su trắng bên trong là banh đã bể rồi.
Không sao! Xin banh khác. Trong những cầu thủ tí
hon nầy của Trường Lá chúng tôi, sau nầy có một
số trở thành tuyển thủ lừng danh của đội bóng đá
Mỹ Tho Sport, một đội bóng trong 7 đội bóng
ngoại hạng của Miền Nam trong các thập niên 50,
60, 70 của thế kỷ trước như Mỹ 2, Rạng, Bảy
Két...
Cũng trong thời gian ngắn ngủi nầy chúng tôi,
bọn con trai, tập họp một nhóm từ ba đến năm
chơi thẩy lổ còn gọi là thẩy lỗ. Trò chơi khá
đơn giản. Trước hết phải có một lỗ mội khoét
xuống đất sâu cở cái chung trà nhỏ vừa đủ cho
vài ba đồng xu lọt vào. Cách lỗ vài thước là một
lằn mức để từ đó vận động viên đứng thẩy xu vào
lỗ. Luật chơi khá chặt chẻ. Tất cả vận động viên
thoả thuận chầu một số xu tuỳ ý chẳng hạn 4 xu
cho mỗi người. Ba người chơi vị chi là 12 xu. Ai
đi trước đi sau phải qua một cuộc thi. Luật thi
là lần lượt từng người cầm đồng xu cái của mình,
không nằm trong trong số xu chung đậu, đồng xu
nầy có thể là xu bảng, có thể là xu đồng hay xu
sắt như nói ở phần trên và thẩy vào lỗ mội.
Anh nào có đồng xu thẩy được vào lỗ là đi
đầu, anh nào có đồng xu gần lỗ nhất đi thứ nhì,
và anh nào có đồng xa nhất là đỉ sau cùng. Anh
đi đầu cầm một vốc 12 đồng xu thẩy vào lỗ, bao
nhiêu xu vào lỗ là anh
được quyền lấy về. Số xu còn lại vất vảy quanh
lỗ thì được anh chưa đi chỉ định cho anh đang
chơi ném xu cái của mình cho trúng. Nếu trúng là
anh nầy thắng tất cả. Bày lại cuộc chơi sau.
Nhưng cũng khó, vì anh chỉ định đồng xu cho anh
kia ném, lựa những đồng xu nằm khít nhau hoặc
chồng lên nhau mà luật chơi bắt buộc ném phải
chỉ trúng một xu thôi, nếu trúng hai xu thì kể
như đến phần anh đi thứ nhì. Lần nầy anh thứ nhì
gom lại số xu còn lại và cũng chơi như anh thứ
nhất cho đến khi không còn đồng xu nào nữa là
bắt đầu cuộc chơi sau.
Trò chơi nầy cũng như các trò chơi khác tập
cho trẻ con rèn luyện được tính khéo léo, chính
xác và một ít thao lược...
Một số khác lại chọn một gốc sân chơi trò đánh
đáo. Đánh đáo có loại đánh đáo và đánh đáo tường
và cũng còn gọi là mổ đáo cùng dùng đồng xu
thường là xu bảng và khi mổ vào tường đồng xu
chạy đi lấy lằn mức gạch dưới đất làm chuẩn và
lấy mức độ xa gần so với lằn mức để đánh giá sự
ăn thua. Cũng có anh đi sau lấy xu mình “bạt” xu
của anh trước cho xa mức ăn thua...giống nhu trò
chơi “pêtăng” bây giờ (pétanque, hay còn gọi là
đánh boule, là một trò chơi rất thịnh hành ở
miền nam nước Pháp, nơi có khí hậu ấm áp nhứt
nước Pháp).
Một số trò nhỏ chỉ cần tập họp lại, một tay
nắm một chân lên nhảy lò cò và tìm cách lấy đầu
gối của mình đụng vào bạn, không có thắng thua
chi có những tràng cười hồn nhiên rộn rã. Hoặc
phân ra một người kiếm, rối tất cả người khác ùa
chạy trốn trong góc trường, lùm cây, bụi
cỏ...khi một trò nào bị phát hiện là trò nầy
thay phiên kiếm bạn. Trò chơi đơn giản và có tên
cũng đơn giàn là chơi “trốn kiếm”. Cũng trò chơi
nầy mà các thành viên đứng vòng tròn còn người
tìm kiếm bị bịt mắt lại, là trò chơi “bịt mắt
bắt dê”. Cũng giống như vậy có trò chơi “giấu
khăn”. Trò chơi thường do sự hưng phấn mà có, tự
nhiên chúng tôi tập họp lại, đứa nầy hai tay vịn
lên vai đứa kia thành một xâu dài, đứa dẫn đầu
chạy lôi cả một đoàn chạy sau quanh co trong đám
học trò đang chơi giởn, có lúc vừa chạy vừa reo
hò...gọi là chơi “rồng rắn”, có lúc vừa chạy vừa
hoét hoét vừa xìn xịt xìn xịt...gọi là trò chơi
“xe lửa”,,,chạy đến khi mệt rã đoàn, nhưng với
một niềm vui vô tận. “Nhảy dây”, có khi chỉ một
mình với sợi dây, những bạn mảnh khảnh nhảy rất
khéo, dẻo dai...còn có những bạn nhảy đôi nhảy
ba do hai người bạn quay dây v. vv...
Riêng các cô chọn mấy gốc me tây có bóng mát để
“đánh đúa”, chơi “búng thun”, “búng hột me”.
Những trò năng động hơn dành cho các cô thích
“nhảy dây”, “nhảy nhà”...Các cô gái rất khéo tay
khéo chân nhìn các cô nhảy nhà, nhảy dây với
những bước chân nhẹ nhàng uyển chuyển cũng như
trò chơi đánh đủa, khi vừa tung trái banh lên,
có khi là một cục đất, tay kia trải dài bó đủa
cho rời ra để khi ngay lần đầu chỉ nhặt lên một
chiếc đủa mãi cho khi hết một chục lại quay ra
lần nầy nhặt 2 chiếc, lần ba nhặt 4, 5 v.vv...
sau cùng đến lúc nhặt
nguyên bó đồng thời phải theo những qui định bởi
những động tác càng về sau càng phức tạp hơn.
Vậy mà có những bạn đi một hơi không hề phạm lỗi
mặc cho các bạn cùng chơi vừa khâm phục vừa ganh
tị.
Ngoài ra con một thú chơi có tính văn hoá.
Đó là “đánh cờ”. Xin nói nhanh là chúng tôi còn
quá nhỏ để đánh cờ tướng, cờ vua..nhưng cờ chúng
tôi chơi cũng không kếm phần mưu trí. Đó là “cờ
chó”, “cờ gánh”...
Một trò tiêu khiển nữa mà chỉ ở Trường Lá chúng
tôi mói có. Đó là chúng tôi rảo theo mấy tấm
vách lá, nhìn vào phía dưới cố tìm cho ra những
ổ....”cúc”. Cúc là một loại côn trùng, một con
vật lạ lùng từ cấu trúc thân hình đến lối sống.
Nó nhỏ lắm cở nửa hạt đậu xanh, mình mềm,
đầu nhỏ, có 6 chân mọc giữa đầu và thân giông
giống một con nhện mini. Khi chúng tôi thấy dưới
đất nơi kẹt vách, kẹt cửa có một dấu hiệu trong
cát hay bụi đất một lổ nhỏ như vú cao xoáy tròn
như miệng quặng (phễu) chúng tôi biết đó là ổ
con cúc. Thế là chúng tôi dùng miệng thổi cát
hay bụi lên là lộ ra con cúc. Nhưng bắt cúc rồi
thôi không phải là trò chơi, vì có gì chơi với
con vật tí xíu nầy. Mà chúng tôi dùng con cúc
vừa bắt được lấy tóc hay một sợi chỉ cột vào cổ
nó rồi tìm một ổ cúc khác để câu con cúc khác.
Khi chúng tôi thả con cúc mồi xuống ổ, giống như
câu cá, con cúc trong ổ lập tức ngoi lên tưởng
là đồng loại đến chiếm ổ mình nên cắn con cúc
mồi. Thế là chúng tôi giở lên được hai con. Đó
là một trò chơi con nít nhưng khá thú vị cho
những buổi trưa hè...khi không có gi để chơi.
Ngoài ra chúng tôi còn có những trò chơi rất trẻ
con nhưng nỗi đam mê của chúng tôi vẫn cao độ.
Chẳng hạn chúng tôi sưu tầm vỏ chai nước ngọt
hay bia ngày xưa thường gọi là la-ve (bière của
hiệu Larue ở Chợ Lớn) đem về dùng gạch hay đá
đập dẹp ra - còn gọi là nút khoén - sắp xếp theo
từng loại từng hiệu xem như một bộ sưu tầm, hay
chơi trò chơi nút khoén.
Cũng vậy chúng tôi ra ngoài đường hay vào
tiệm nước lục lọi tìm nhặt những bao thuốc lá.
Đủ các hiệu như thuốc nội chúng tôi đánh giá
không bằng loại thuốc ngoại. Thuốc nội gồm có
Mélia, Bastos, Capstan, Golden còn gọi là Nút
chuồn....Thuốc ngoại gồm có Philips Morris,
Craven’A’ hay Con Mèo (Thầy Nguyễn Văn Đạt, Hiệu
trưởng trường chúng tôi chuyên hút thuốc Craven
A’ mà còn hút thuốc đựng trong hộp tròn mới sang
chớ!).. . (Lúc bấy giờ chưa có Salem của Mỹ đâu
nên chưa có từ OK Salem, nói cho vui vậy mà!).
Chúng tôi
nhặt các bao thuốc nầy về, cẩn thận tháo ra,
vuốt cho thẳng thóm ép lại trong sách, phân ra
từng nhóm...để trao đổi với nhau tuỳ theo giá
trị của từng loại giống như người ta chơi tem
vậy. Khi có nhiều chúng tôi cũng dùng mấy bao
thuốc nầy để chơi trò tạt hình.
Đá dế cũng là một trò chơi rất được ưa
chuộng và không tốn tiền (như đá gà). Phải cố
công nghe theo tiếng gáy chui vào buội rậm tìm
bắt những con dế cự phách, gáy to, thân hình vặm
vỡ mới có thể đá thắng đối thủ được. Tụi tôi
nuôi dế trong những hộp quẹt khoảng 7x5x3 cm,
cho ăn uống đầy đũ, sống được nhiều ngày. Mỗi
trận đá dế chỉ có hai chiến sĩ nhỏ bé trong một
vòng tròn đường kính khoảng 2 tấc, nhưng chung
quanh là hàng chục đôi mắt reo hò cổ võ, theo
dõi một cách say mê.
Cũng nên nói thêm học trò Trường Lá còn
những trò chơi độc đáo khác nhưng vì điều kiện
sân bãi và thời gian không có nên các trò chơi
nầy phải dành chơi ngoài sân trường và trong
những ngày nghỉ học. Đó là “đánh trỏng”, hay
“đánh u”, “đánh gồng”, “thả diều”, nhất là “tắm
sông” còn gọi là “tắm cầu tàu” (tắm
sông một đề tài hấp dẫn đã được nhiều tay viết
nguyên là học sinh Trường Lá đã từng khai thác
như Võ Thành Dũng, Huỳnh Quốc Minh, ...). Nhưng
phải kể một chuyện, một trò chơi mang mầu sắc
Thiếu lâm một chút, có tính anh hùng mã thượng
một chút. Đó là rủ nhau “đánh lộn”. Các võ công
kiêm đô vật nầy cùng hẹn nhau đến một nơi vắng
vẻ, chia ra hai phe và cùng nhau ấu đả. Đủ các
món võ, cổ truyền, võ học lóm cũng có, tự sáng
chế cũng có... và khi tan trận có những đấu thủ
u đầu, trầy da, rướm máu...do những thế võ bí
hiễm của đối
phương để lại. Nhưng tinh thần nhà võ mà, không
lấy thành bại mà luận anh hùng nên bắt tay
hẹn…tái đấu vào một ngày khác. Hơn nửa thế kỷ
trôi qua, hầu hết những trò chơi tuổi thơ nầy đã
lùi dần vào quá khứ. Những trò chơi nầy vừa ngây
thơ, vừa không tốn kém, đôi lúc cần sáng tạo và
nhứt là tạo được tình bạn trong sáng vì bất cứ
trò chơi nào cũng cần có bạn, có đối thủ trong
không gian rộng rãi … Hiện nay các em thường
chơi những trò chơi điện tữ, một mình đối diện
với vi tính, chung quanh là bốn bức tường; các
em không còn hưởng được không gian trong lành
của ngày trước, không có được tình bạn thắm
thiết như xưa…
TRÒ CHƠI TÌM CHỮ
Khi lên lớp Nhì và lớp Nhất chúng tôi đã có
một số vốn liếng kha khá về Pháp văn và nhất là
khi thi bằng Tiểu học hay thi vào đệ Nhất niên
trường Trung học Mỹ Tho, Trường Nguyễn Đình
Chiểu, chúng tôi phải trải qua môn thi Pháp văn
được cho là môn quan trọng nên chúng tôi trau
giồi môn nầy dữ lắm. Cho nên những lúc rảnh rang
như giờ chơi mà trời mưa không ra sân chơi đùa
được nhất là các bạn ở lại trường ăn
cantine...vào giờ trưa thường rủ nhau chơi trò
“thi tìm chữ”.
Trò chơi thế nầy, lúc bấy giờ học sinh
thường có cuốn tự điển Pháp văn rất phổ biển tức
là quyển Petit Dictionnaire Larousse, trong
quyển tự điển nầy nơi trang đầu của mỗi mẫu tự
có một phần minh hoạ các hình vẽ: một con vật,
một món đồ, bản đồ một xứ...mà không có chua
tên. Hai bạn cùng lật ra trang đầu của một mẫu
tự chẳng hạn mẫu tự B. Hai bạn thay phiên, bạn
nầy đi trước, bạn kia đi sau. Chơi chữ là cứ
nhìn hình mà nói lên từ chỉ hình đó mà phải nói
cho trúng.
Người nầy nói xong một từ, đến phiên người
kia cho đến khi có một bạn bí...không thể tiếp
tục... là thua. Chẳng hạn ở mẫu tữ B, anh đi
trước chỉ vào hình cá ông và nói lớn baleine,
anh thứ hai chọn hình cái cân và nói lớn
balance, rồi trở lại anh thứ nhất nói barrique,
rồi lần lượt: Brésil,
bague....bac.....bébé.....bec....bouche.....ballon.....bambou....baromètre....bâton...
cho đến khi có một bạn không tìm ra từ kế tiếp
là thua. Tuy nhiên khi cả hai đã nói được hết từ
trong số hinh thì...huề. Lật sang mẫu tự khác
chơi nữa. Trò chơi không có thắng bại chỉ có
thắng mà thôi vì nhờ đó mà chúng tôi có thêm một
số vốn về ngữ vựng Pháp. Một trò chơi vô cùng bổ
ích trong đời học trò của chúng tôi.
TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG
Thùng thùng.....thùng, ba tiếng trống báo
giờ chơi, giờ xã hơi...chỉ trong mười lăm phút.
Tiếng trống trường nơi Trường Lá đã từng vang
dội trong tim chúng tôi nay xa lắm rồi... mà
dường như những tiếng trống nầy vẫn còn vang
vang trong ký ức nay đã cằn cỗi nhiều.
Nội việc tiếng trống trường mà tôi vẫn có
chuyện phải nói, xin độc giả đừng cho
tôi...nhiều chuyện. Thuở tôi học lớp Ba trường
làng, trường làng làm gì có lao công...để đánh
trống còn thầy thì trăm công ngàn việc. Thôi thì
dành cho học trò mà phải là học trò có sức vóc
thì tiếng trống mới có âm vang xa. Mà học trò
thì cũng khoái cái vụ nầy lắm. Trong đó có tôi.
Sáng sớm học trò đến trường cất tập vào bàn chạy
ra sân chơi giởn, còn những15-30 phút để nô dùa.
Tôi cũng trong đám học trò đang chơi ngoài sân
nhưng thỉnh thoảng nhìn thầy. Khi thầy ra dấu là
tôi nhanh chân chạy ra hành lang sau trường, nơi
treo một cỗ trống chầu to tướng mà làng mới mua
về cho trường.
Đông học, tan học, giờ chơi...lối đánh khác
nhau. Đông học sáng hay chiều cũng vậy. Trước
hết phải nhịp nhẹ 2 tiếng hay 4 tiếng, nhịp xong
bắt đầu đánh khởi đầu chậm rãi, lớn dần cho đến
khi lên đến cực độ lại nhỏ dần, nhỏ dần cho dến
khi chấm dứt là tiếng trống vẫn còn từ từ, ngân
xa... Xong hồi trống báo nầy là tiếp theo ba
tiếng trống lịnh: Thùng thùng....thùng. Âm thanh
lớn, dứt khoát. Lối đánh trống “đông học” là như
vậy và được gọi là “một hồi lợi ba dùi”.
Học trò xếp hàng trước cửa lớp, đứng ngay ngắn.
Thầy đứng lên đầu hàng, học trò xây mặt lại đưa
hai bàn tay ra trước cho thầy kiểm tra. Thầy đi
giữa hai hàng và xem bàn tay có sạch sẽ không,
móng tay có cắt ngắn không, trước khi chovào
lớp.
Trống giờ chơi ngắn hơn gọn hơn chỉ có 3
tiếng: thùng thùng....thùng. Trống báo hiệu hết
giờ chơi cũng vậy.
Trống tan học cũng khác với lối trống “đông
học”: Chỉ có một hồi mà không “lợi ba dùi” như
cách đánh trống “đông học”. Ngày xưa là như vậy
cho mãi đến bây giờ những hồi trống đó, âm thanh
đó dường như còn đọng lại trong tôi. Bây giờ
thỉnh thoảng tôi cũng có nghe tiếng trống trường
đây đó, nhưng dường như lối đánh trống ngày nay
khác hơn thuở tôi còn nhỏ.
GIỞ LẠI TRANG SỬ “TRƯỜNG LÁ”
Chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ xong, năm
1961 quân Pháp đem quân đánh chiếm Mỹ Tho làm
bàn đạp để tiến đánh Vĩnh Long. Sau khi thôn
tính nốt 3 tỉnh miền Tây, người Pháp lập tức tổ
chức bộ máy chính quyền thuộc địa ở Nam kỳ lục
tỉnh. Lẽ tức nhiên họ cũng mở trường học để dạy
tiếng Pháp và tiếng Quốc ngữ.
Trước đó ở nước ta triều đình Nhà Nguyễn
cũng đã xây dựng lên một hệ thống dạy học khá
hoàn chỉnh, dưới sự dẫn dắt dạy dỗ của Thủ Khoa
Huân, Phan Hiến Đạo, Phan Văn Trị, Học Lạc và
một số sĩ phu khác.Cho nên mặc dù ngưòi Pháp lập
trường mở lớp dạy chữ Pháp và Quốc ngữ nhưng đa
số người Việt vẫn còn mặn mòi với chữ Nôm chữ
Hán. Những trường lớp chữ Nho vẫn còn hoạt động
mạnh mẽ cho đến những thập niên đầu của thế kỷ
XX. Trong số đó có một trường dạy chữ Nho ở Cầu
Vĩ (Gò Cát), cho đến năm 1950 vẫn còn hoạt động
với Thầy Phan Trọng Am còn gọi là Tùng Am hay
Tòng Am.
Ngôi trường đầu tiên do người Pháp lập tại
Mỹ Tho tên là trường Tổng (École Cantonnale) ở
đầu đường De Castelneau (đường Trần Quốc Tuấn,
phường 7 bây giờ). Xin nhớ ngôi trường Tổng nầy
được thành lập trước trường Trung học Mỹ Tho –
1879 - (collège de Mỹ Tho). Gọi là trường Tổng
vì trường thu nhận học sinh trong tổng Thuận Trị
(một đơn vị hành chánh giữa quận và xã, nay
không còn. Địa hình tổng Thuận Trị gần giống như
của thành phố Mỹ Tho bây giờ).
Đây chỉ là một trường Sơ đẳng tiểu học mà
thôi (école primaire élémentaire) chỉ thu học
sinh cho 2 lớp, lớp Đồng ấu (lớp 1, cours
enfantin), lớp Dự bị (lớp 2,cours préparatoire).
Vì trường chỉ có 2 lớp, lớp Đồng ấu và lớp
Dự bị nên học sinh sau khi học lớp dự bị xong
tiếp tục học ở đâu? Vào Trường Trung học Mỹ Tho
(Nguyễn Đình Chiểu bây giờ) học lớp Sơ đẳng (lớp
3, cours élementaire). Bởi vì dù mang tiếng là
trung học, nhưng vì trường Tổng chưa có học sinh
trọn cấp tiểu học, nên trường Trung học Mỹ Tho
trong thời gian chờ đợi phải thu học sinh lớp Sơ
đẳng. Cho đến khi trường Tổng phát triển thành
một trường Tiểu học Bổ túc hẵn hòi (école
primaire complémentaire) có từ lớp Đồng Ấu đến
lớp Nhứt thì trường Trung học Mỹ Tho mới nhận
học sinh vào lớp Đệ nhất niên (Première année)
cho bậc trung học đúng theo vai trò của nó.
Trường Tổng nầy sau đó dời về đường
Maréchal Foch (đường Ngô Quyền bây giờ), rồi đến
năm 1925 được dời về Boulevard Bourdais (Đại lộ
Hùng Vương) ngang với trường Nguyễn Đình Chiểu,
xây cất với tầm vóc qui mô và chính thức đổi tên
là “Nhóm học sinh Mỹ Tho” (Groupe scolaire de My
Tho). Nhưng trong văn kiện hành chánh người ta
thường dùng là: Trường Tỉnh Mỹ Tho (École
provinciale de Mỹ Tho).
NHỮNG LẦN TRƯỜNG BỊ TRƯNG
DỤNG
Lần 1: Năm 1939 quân đội Pháp từ Sài Gòn
xuống chiếm đóng trường để hành quân chống phong
trào Nam kỳ Khởi nghĩa ở Long Hưng. Trường bị
trưng dụng trong thời gian ngắn học sinh phải
nghỉ học nhưng số học sinh lớp Nhứt vì sắp thi
lấy bằng Tiểu học nên được cho ở lại học.
Lần 2: Năm 1940-1942, bị quân đội Nhật
chiếm đóng, trường phải tạm dời về đường
Filippini, đường vào Đất Thánh (đường Tết Mậu
Thân bây giờ) trên bờ giếng nước mé bên đường đi
Sài Gòn, xây cất tạm bằng cây lá. Và tên “Trường
Lá” đã xuất hiện ở đây rồi. Nhưng không phải là
“Trường Lá” của chủ đề nầy.
Lần 3: Đây là lần trường chính thức mang
tên “Trường Lá” ngôi trường đã để lại dấu ấn
không phai của tuổi thơ chúng tôi. Năm 1946 quân
Pháp trở lại Mỹ Tho lại trưng dụng trường làm
doanh trại. Lần nầy trường dời về đầu đường De
Castelneau (sau đó là đường Trần Quốc Tuấn, rồi
ông bà Nguyễn Trung Long và bây giờ là Nam kỳ
Khởi nghĩa) gần Cầu Bắc Rạch Miễu và cũng được
xây cất bằng cây lá nên chính thức được gọi là
“Trường Lá” còn gọi là “Trường Cầu Bắc”. Vì bị
dời đi, tên trường “Nhóm học sinh Mỹ Tho” hay
“Trường Tỉnh” bị lãng quên. Thậm chí đến bây giờ
có người còn cho là “Trường Lá” và “Trường Nam
Tiểu học” sau nầy, là hai trường khác nhau. Vậy
“Trường Lá” là một ngôi trường “chính qui” của
tỉnh Mỹ Tho xưa, nhưng vì số phận trong thời
chiến phải “tản cư” mấy lần và hẩm hiu mang một
cái tên “bụi đời”.
Lần 4: Năm 1954, quân đội Pháp rút đi,
tưởng là “châu về Hiệp phố” nào hay số còn lận
đận, trường lại bị trường Thiếu Sinh Quân mượn.
Và mãi đến năm 1956 trường mới được hoàn trả lại
vị trí của nó ở đường Hùng Vương sau mầy lần
“lưu vong”.
“Trường Lá” đã trở về vị trí của nó tức là
với cái tên “Groupe scolaire de Mỹ Tho” vào năm
1956 và lúc bấy giờ nền giáo dục Việt Nam đã
định hình nên khi tỉnh Mỹ Tho và Gò Công sáp
nhập để trở thành tỉnh Định Tường, trường được
mang tên chính thức là “Trường Tiểu học Trương
Công Định”. Từ năm 1960 trường lại đổi là
“Trường Tiểu học Cộng đồng Mỹ Tho”. Từ năm 1966
trường chính thức mang tên “Trường Nam Tiểu học
Mỹ Tho”.
Sau ngày 1.5.1975, trường Nam Tiểu học Mỹ
Tho chấm dứt vai trò giáo dục tiểu học của nó để
trở thành một trường Trung học cấp II với tên
trường “Trung học cơ sở Xuân Diệu”. Vào năm
1999, khu trường xây cất từ năm 1925 được phá bỏ
và xây cất lại hoàn toàn mới. Xin nói thêm: Từ
ngày mới thành lập trường vẫn là trường hổn hợp
(mixte) dạy chung học sinh trai và gái mãi đến
năm 1956 mới có trường Nữ Tiểu học cất riêng cho
học sinh gái ở đường Nguyễn Trung Long nay là
Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngôi trường Nữ nầy thoạt đầu
mang tên Trường Trưng Vương sau là Trường Nữ
Tiểu học Mỹ Tho nay là Trường Tiểu học Thủ Khoa
Huân.
DANH HIỆU TỪ NGÀY THÀNH LẬP
ĐẾN NAY
1. Trường Tổng
2. Groupe scolaire de
Mỹ Tho
3. École provinciale de
Mỹ Tho
4. Trường Lá hay Trường
Cầu Bắc (giai đoạn di dời)
5. Trường Tiểu học
Trương Công Định
6. Trường Tiểu học Cộng
đồng Mỹ Tho
7. Trường Nam Tiểu học
Mỹ Tho
8. Trường Trung học cơ
sở Xuân Diệu.
KẾT
Ở Mỹ Tho, “Trường Lá”, cũng như
“Trường Nam Tiểu học Mỹ Tho” “Trường Nữ Tiểu học
Mỹ Tho” kể cả “Trường Tổng” xa xưa có cả trường
Trung học Nguyễn Đình Chiểu, trường Nữ Trung học
Lê Ngọc Hân...mà tất cả nơi đó còn ghi lại bóng
hình của Thầy xưa Bạn cũ, những người thân
thương đầu đời thời thơ ấu mà tình cảm như còn
trinh nguyên trong trắng...cùng với hình ảnh các
ngôi trường mà nay, một số đã mai một với thời
gian hoặc một số còn lại vớinếp cổ kính rêu
phong nhưng rồi đây cũng sẽ theo luật đào thải
mà đi vào quá khứ...Tất cả đều qua đi, chỉ còn
lại trong tâm ta những kỷ niệm vui buồn sâu lắng,
còn vương vấn mãi trong ký ức con người vốn đa
sầu đa cảm.
Mặc Nhân TVC & Võ Thành Dũng
(Cuối thu 2012) |